Nghề Thiết Kế Nội Thất – Ai sẽ là người phù hợp?

1. Thiết Kế Nội Thất có quan trọng không?

Bạn có biết rằng 90% thời gian hằng ngày của chúng ta được sử dụng ở không gian trong nhà?

Từ trường lớp, văn phòng, cho đến các bệnh viện, khu thương mại, phòng tập gym, nhà hàng, sân bay v.v… và tất nhiên là cả ngôi nhà chúng ta đang ở.

Ngoài thời gian di chuyển và vận động ngoài trời, chúng ta đều ở trong nhà. Màu sắc, phong cách, tính chất, những ấn tượng khác nhau của từng nơi, bằng một cách nào đó sẽ ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và hành xử trong không gian đó. Chính vì vậy, không gian nội thất đóng một vai trò rất quan trọng, ngoài việc làm đẹp, mỗi không gian nội thất đều có những chức năng cụ thể góp phần vào sự tiện nghi của cuộc sống. 

Ngành Thiết Kế Nội Thất có thể chia thành hai mảng chính theo loại hình không gian:

  • Đầu tiên là Thiết kế nội thất nhà ở, bao gồm nhà dân dụng, chung cư và căn hộ. Người sử dụng không gian cũng chính là người chủ, không gian nội thất cần thể hiện sở thích và tính cách của chủ nhà. 
  • Mảng thứ hai là Thiết kế nội thất thương mại, bao gồm các không gian như văn phòng, trường học, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, sân bay, v.v… Rất nhiều người sử dụng không gian chung này nên có nhiều yêu cầu cụ thể tùy vào chức năng của không gian đó, nhất là yêu cầu về an toàn được đặt lên trên hết. 

Những vấn đề mà thiết kế nội thất cần phải giải quyết bao gồm công năng của không gian, sự an toàn, sự tiện nghi, sự thoải mái, sự sáng tạo, những ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc, thẩm mỹ, sức khỏe người dùng, hình ảnh thương hiệu, thông điệp cần truyền tải, tuổi thọ vật liệu, yêu cầu kỹ thuật xây dựng, ánh sáng, thiết kế phổ quát, và thiết kế bền vững. 

Bạn đã sẵn sàng để tìm hiểu thêm về một chuyên ngành rất thú vị và quan trọng này chưa? 


Nếu bạn là một người sáng tạo về không gian và thích giải quyết đa vấn đề, Thiết Kế Nội Thất có thể là một câu trả lời cho con đường sự nghiệp của bạn!


thiêt-kế-nội-thất-1
Photo by: Ozzie Tran

2. Những yếu tố chủ quan

Những yếu tố chủ quan bao gồm tính cách, đam mê, sở thích, sở trường, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, và thái độ làm việc của chính bạn. 

Tính cách tự nhiên (Personality): tò mò và thích tìm hiểu, thích sáng tạo, thích tưởng tượng, nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng, tìm cảm hứng từ mọi nơi, dũng cảm trải nghiệm những ý tưởng mới, thích chi tiết và tỉ mỉ, thích tư duy kỹ thuật và logic, thích tính chính xác.
Ồ bạn không nhầm đâu khi các tố chất nghe có vẻ ngược nhau như tính tưởng tượng và sáng tạo lại đi chung với tính kỹ thuật chính xác và tỉ mỉ. Ngành thiết kế nội thất chính xác lại là như vậy. Việc bạn vừa thích toán vừa thích vẽ lại là một ưu điểm tuyệt vời!

  • Đam mê (Passion): yêu thích thiết kế, thẩm mỹ, sự sáng tạo, sự đổi mới, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề về sử dụng không gian.
    Việc yêu cái đẹp và một trí óc luôn cập nhật những công nghệ và xu hướng mới sẽ giúp một nhà thiết kế sáng tạo ra những cách giải quyết thông minh và tinh tế cho không gian. Việc bạn theo đuổi sự sáng tạo hoặc theo đuổi cách giải quyết vấn đề có thể là một dấu hiệu tốt để bắt đầu!
thiết-kế-nội-thất-2
Photo by: Ozzie Tran
  • Sở thích (Hobbies): xem các thiết kế về không gian, tìm hiểu các phong cách sống khác nhau, trang trí nhà cửa, thích thủ công cắt dán tỉ mỉ, thích sờ/chạm các bề mặt của các chất liệu khác nhau, thích vẽ tranh có màu sắc, hoặc vẽ tranh tái hiện không gian, sưu tầm hình ảnh đồ nội thất hay ho, thích quan sát các không gian xung quanh bạn và cảm nhận vẻ đẹp của nó, thích tìm hiểu và nắm bắt các xu hướng thiết kế…Bạn có thể có nhiều sở thích nhưng nếu bạn có hoặc thích thú và bắt đầu với những sở thích trên, bạn có thể chìm đắm trong sự sáng tạo và tìm thấy cảm hứng ở khắp mọi nơi. Hãy giữ cho tâm hồn luôn được tự do sáng tạo!
  • Sở trường (Strengths): bạn có nhiều ý tưởng, có thể thể hiện ý tưởng qua hình vẽ và ngôn từ, có óc quan sát, có óc tổ chức, có tính tỉ mỉ cẩn thận.
    Các thiết kế nội thất đều cần có những bản vẽ kỹ thuật, đòi hỏi sự chính xác, chi tiết và tỉ mỉ rất cao. Bạn nên  hiểu rằng, để đảm bảo việc xây dựng đúng theo ý tưởng thiết kế, thì nhà thầu công trình đang xây căn nhà mà bạn thiết kế có thể phải gọi điện cho bạn liên tục nếu bản vẽ của bạn không đủ thông tin cần thiết cho việc triển khai. Nếu chủ nhà không hài lòng vì công trình được xây khác với bản vẽ, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm và có thể sẽ phải tháo dỡ để xây lại. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hướng đến danh tiếng và túi tiền của bạn. Vậy bạn có phải là người có nhiều ý tưởng và đồng thời có khả năng làm những việc tỉ mỉ?
Autocad
  • Kỹ năng cứng cần học (Hard skills): lên hồ sơ thông tin khách hàng, lên concept ý tưởng thiết kế, bản vẽ kỹ thuật xây dựng, phối cảnh và mô hình 3D, phối màu, ánh sáng và đèn, chọn vật liệu bề mặt, và bố trí sản phẩm nội thất. 
    Một số phần mềm được sử dụng trong Thiết kế nội thất như là: AutoCAD, SketchUp, 3Ds Max, Adobe Suites.
    Đa số là bạn sẽ sử dụng các phần mềm máy tính rất nhiều để cho ra các bản vẽ, bản trình bày thiết kế, nhưng bên cạnh đó, kỹ năng vẽ tay phác thảo cũng rất quan trọng vì bạn sẽ sử dụng để giải thích ý tưởng trong các cuộc họp, hoặc tại công trình. 
    Đừng lo lắng, bạn sẽ được học và rèn luyện những kỹ năng này khi học chuyên ngành. Mình vẫn còn nhớ bài vẽ tay đầu tiên của mình ở trường là tập vẽ các đường thẳng 🙂
  • Kỹ năng mềm (Soft skills): kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, quản lý dự án, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức công việc, quản lý thời gian, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng đa nhiệm.
    Công việc thiết kế nội thất rất bận rộn và đa nhiệm, lại làm việc với rất nhiều nhóm ngành khác nhau, nếu bạn trang bị cho mình những kỹ năng mềm quan trọng trên, hiệu quả làm việc và uy tín của bạn sẽ tăng đến kinh ngạc. 
    Bên cạnh đó, việc sáng tạo của bạn cũng sẽ có giới hạn về thời gian để các giai đoạn thiết kế sau được theo đúng lịch trình, quản lý thời gian và kỹ năng ra quyết định sẽ giúp bạn chiến thắng những dự án.
  • Thái độ làm việc (Attitude): tinh thần học hỏi cao, dũng cảm nhận và học từ phản hồi, trau dồi kiến thức liên tục, cởi mở và thân ái với đồng nghiệp, giữ tình thần luôn tích cực và lạc quan.
    Thiết kế luôn thay đổi theo xu hướng và phong cách sống, các mẫu mã vật liệu luôn được đổi mới, cho nên bạn phải luôn giữ mình trong tâm thế học hỏi không ngừng. Vì tính chất công việc sẽ giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp, kỹ sư xây dựng và các ngành khác, tính cách thân thiện sẽ giúp bạn giao tiếp thuận tiện hơn. 

Quan trọng nữa là hãy chú ý sự cân bằng công việc và cuộc sống, sức khỏe và tâm hồn bạn rất quan trọng để giúp bạn có được trạng thái thoải mái, nhiều năng lượng và nhiều ý tưởng. Khi bạn mệt mỏi và lo âu, thường các ý tưởng sáng tạo sẽ rất khó được sinh ra. 

sách-thiết-kế-nội-thất

3. Những yếu tố khách quan

Những yếu tố khách quan bao gồm môi trường làm việc, mức độ áp lực công việc, văn hóa nơi làm việc, và cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành.

  • Môi trường làm việc: bạn sẽ làm việc với bản vẽ giấy, phần mềm vẽ và đồ họa máy tính, tiếp xúc nhiều mẫu mã vật liệu, trò chuyện và dự cuộc họp với khách hàng, họp nhóm với đồng nghiệp, thường xuyên tiếp xúc và làm việc chung với với các ngành liên quan như kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng, kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện, bộ phận lắp ráp, công ty bán lẻ, công ty sản xuất vật liệu và sản phẩm nội thất. Mỗi ngày đến văn phòng hoặc ra công trình, lịch làm việc của bạn sẽ nhiều hạng mục công việc khác nhau và có thể gặp nhiều đối tượng, thật thú vị và cần nhiều năng lượng phải không nào?

Mức độ áp lực công việc: tùy vào kỹ năng quản lý dự án và quản lí thời gian của bạn để theo kịp thời hạn dự án, kỹ năng đa nhiệm để hoàn thành nhiều hạng mục công việc, lúc nào bạn cũng sẽ đảm nhiệm nhiều dự án một lúc, sẽ rất bận rộn đấy! Mình có thể khuyến cáo là đối với những bạn nghĩ rằng đi làm sẽ nhàn thì sẽ không chính xác lắm đâu, thật luôn. Hãy trang bị tốt cho mình những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm thật tốt để bạn có thể vượt qua áp lực thời gian và công việc, tiếp theo là đạt đến trình độ thưởng thức một công việc rất sáng tạo này!

hiện-trường-thiết-kế-nội-thất
Photo by: Ozzie Tran
  • Văn hóa nơi làm việc: tùy vào từng công ty bao gồm phong cách thiết kế của công ty, những giá trị mà công ty theo đuổi, sẽ có những văn hóa làm việc khác nhau. Trước và trong khi đi phỏng vấn xin việc, bạn hãy tìm hiểu rõ xem văn hóa công ty có hợp với bạn không nhé. Vì sẽ có những công ty cực kỳ năng động và nhộn nhịp, nhưng lại có công ty trầm tư và hiền hòa hơn. Nhưng nhìn chung những giá trị như sự chuyên nghiệp, sự chi tiết tỉ mỉ, sự sáng tạo, tiến độ theo kịp kế hoạch được xem là những giá trị chung của những văn phòng thiết kế nội thất.
  • Cơ hội phát triển sự nghiệp: bạn có thể chọn theo mảng nhà ở hay thương mại, hoặc cả hai. Bạn có thể làm vị trí nhà thiết kế trong công ty kiến trúc, công ty xây dựng, hoặc công ty thiết kế nội thất. Bạn cũng có thể mở công ty thiết kế nội thất riêng hoặc làm theo hợp đồng, một số công ty bán hàng lớn có chuỗi cũng thường có bộ phận thiết kế nội thất riêng. Một con đường khác nữa là làm chuyên gia tư vấn thiết kế, tư vấn màu sắc, thiết kế ánh sáng hoặc giảng dạy. Có rất nhiều sự tự do trong việc phát triển nghề nghiệp trong ngành. Bạn có những dự định và mơ ước gì cho bản thân?

4. Những vấn đề mà ngành đang giải quyết

  • Dân số đông và đô thị hóa
    Diện tích đất cho không gian nhà ở đang thu hẹp lại, chúng ta cũng đang dần quen với cuộc sống ở căn hộ. Mặt khác, không gian nhà ở cần cởi mở hơn để các thành viên có thời gian sinh hoạt với nhau nhiều hơn sau một ngày bận rộn với công việc và trường lớp. Hai yếu tố này đòi hỏi bạn sẽ sáng tạo những không gian nhỏ nhưng vẫn phải đầy đủ công năng, tính thẩm mỹ cao và chất lượng vật liệu lâu bền.

Thiết kế phổ quát (Universal Design)

Khái niệm này có nghĩa là những thiết kế sẽ thân thiện với tất cả người sử dụng bao gồm người già, người khuyết tật, người đang có thể chất yếu, họ có thể sử dụng chung không gian mà không cần điều chỉnh hoặc có những thiết kế đặc biệt riêng. Ví dụ ông bạn phải ngồi xe lăn nhưng thềm nhà có thể là một con dốc rất xuôi và ngắn thay vì những bậc thang, hoặc các lối đi rộng ra để ông có thể di chuyển quanh nhà, cũng có thể là những thanh vịn tay trong nhà tắm giúp ông khỏi ngã, v.v… Với thiết kế phổ quát, các không gian cho phép tất cả mọi người có một nơi sinh hoạt thật an toàn. Nếu bạn quan tâm đến sự tiện nghi của những đối tượng đặc biệt này, có thể đây cũng là một ngành thích hợp để bạn tìm hiểu.

Thiết kế bền vững (Sustainable Design).

Bắt nguồn từ yếu tố môi trường và sức khỏe, thiết kế bền vững đang rất được quan tâm trên thế giới. Vật liệu bề mặt vì chạy theo xu hướng và cắt giảm chi phí có thể dẫn đến kém chất lượng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Vật liệu được sản xuất từ các tài nguyên không tái tạo có khả năng là không được tái sử dụng hoặc phân hủy, làm tăng sự ô nhiễm môi trường.

Chính vì hai lý do trên, Thiết kế bền vững có những định hướng tốt hơn, những quy định cụ thể hơn, và khuyến khích các nhà thiết kế sử dụng những vật liệu và hệ thống thân thiện cho môi trường và sức khỏe con người. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, quan tâm đến lối sống lành mạnh, đây là một lĩnh vực rất quan trọng trong việc thay đổi lối sống và góp tiếng nói lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường. 

5. Lời kết

Để đánh giá bạn có hợp với ngành Thiết Kế Nội Thất hay không, mình khuyên các bạn nên tìm hiểu rõ bản thân các bạn có những tính cách tự nhiên gì, tính cách làm việc như thế nào, cũng như điểm mạnh và điểm yếu, yêu thích những vấn đề gì, có hợp môi trường làm việc không, sau đó đề ra mục tiêu nghề nghiệp.

Các bạn cũng có thể tham khảo IKIGAI cho vấn đề hướng nghiệp hoặc tham khảo bài viết “Định hướng nghề nghiệp theo từng nhóm tính cách“. Sau khi cảm thấy bản thân phù hợp với ngành này, các bạn sẽ đi đến bước tiếp theo là chọn trường có uy tín trong việc giáo dục ngành Thiết Kế Nội Thất. Mình chúc các bạn sớm tìm được con đường sự nghiệp của mình nhé!

Ozzie Trần


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top