Mục lục bài viết
Trong khi có hàng triệu người đã và đang bắt buộc phải làm việc tại nhà vì đại dịch Covid-19, không có nhiều người ý thức được những thách thức mà họ phải đối diện. Dù rất yêu thích với việc được làm việc tự do và tại gia, tôi cũng phải nhìn nhận công tâm những thách thức mà mình phải đối diện.
Càng ý thức được vấn đề này rõ bao nhiêu, bạn sẽ càng có cách để hợp tác với sự “bình thường mới” này hiệu quả bấy nhiêu.
1. Làm việc quá nhiều
Một trong những lý do khiến nhiều nhà quản lý không tán thành công việc từ xa là vì họ sợ nhân viên sẽ xao nhãng công việc vì thiếu sự giám sát trực tiếp. Nhưng, trên thực tế lại xảy ra điều ngược lại: những người làm việc tại nhà có khuynh hướng làm việc quá sức. Khi đời sống cá nhân và công việc bị trộn lẫn trong một không gian chung, bạn thường khó có khả năng phân định thời gian rạch ròi và dễ sa đà vào công việc nhiều hơn.
Khi nào ngày làm việc sẽ bắt đầu? Và khi nào nó kết thúc? Việc tạo ra một ranh giới rõ ràng giữa làm việc với ở nhà là điều không dễ, và nếu bạn làm việc cho chính mình, thì bạn có thể đang ở chế độ bán hàng không bao giờ kết thúc, điều này có thể làm bạn kiệt sức.
Một số thành viên tại công ty Zapier – ứng dụng tự động hóa marketing – thú nhận rằng họ không biết khi nào là thời điểm hợp lý để dừng lại, nghỉ ngơi. Công việc là vô hạn, luôn có một số việc cần giải quyết và khi bạn có thói quen ở văn phòng, rời khỏi nơi làm việc sẽ dễ dàng hơn cho việc nghỉ ngơi.
Khi bạn làm việc ở nhà, văn phòng của bạn là nơi bạn sống. Vì vậy, bạn liên tục bị ám ảnh bởi các tác vụ nhỏ còn dang dở trước khi đi ngủ hoặc vào buổi sáng sớm, khi bạn thực sự muốn dành thời gian để đọc tin tức.
Giải pháp:
Bạn có thể phải tự lừa mình để nghỉ ngơi và thiết lập thời gian bắt đầu và kết thúc rõ ràng. Nếu không, bạn có nguy cơ kiệt sức. Một vài điều dưới đây có thể giúp bạn:
- Đặt các cuộc hẹn trên lịch của bạn vào cuối ngày để thoát khỏi văn phòng nhà của bạn. Đó có thể là một “cuộc hẹn” để đi đến phòng tập thể dục hoặc đi mua sắm hàng tạp hóa hoặc chỉ đi dạo quanh khu phố. Hoặc cũng có thể là một cuộc hẹn để đọc chương tiếp theo của cuốn sách bạn đang đọc.
- Tương tự, thiết lập lời nhắc để nghỉ ngơi. Tôi sử dụng cài đặt đồng hồ trong macOS để thông báo thời gian mỗi giờ. Trong Windows, bạn có thể sử dụng Trình lập lịch tác vụ để thiết lập lời nhắc hàng giờ tương tự. Thời gian trong ngày của bạn với kỹ thuật Pomodoro cũng có thể giúp ích.
- Hãy nói với nhóm của bạn khi bạn rời khỏi nhóm. Ví dụ, bằng cách thông báo nhanh trong Slack, sau đó thì tắt máy tính của bạn đi. (Tôi có một thói quen xấu là nói “tạm biệt” và sau đó lang thang thêm một giờ nữa.)
- Tạo ranh giới vật lý cho không gian làm việc của bạn. Điều tốt nhất là nếu bạn có một không gian văn phòng chuyên dụng để bạn có thể đóng cửa văn phòng, hoặc thậm chí khóa nó. Nếu bạn không có một văn phòng chuyên dụng, thậm chí một việc đơn giản như đặt máy tính xách tay của bạn ra khỏi tầm mắt khi công việc kết thúc có thể giúp bạn tránh được sự cám dỗ để đăng nhập lại. Hoặc bạn có thể thử tách một phần của căn phòng để làm việc để nó có cảm giác như một không gian riêng biệt.
- Tắt thông báo trên điện thoại và máy tính để bạn không phải quay lại làm việc sau nhiều giờ.
2. Ưu tiên công việc bị đảo lộn
Nhân viên từ xa cần phải là chuyên gia tự động viên trong việc quản lý thời gian vì chúng ta không có người khác giám sát công việc hoặc quản lý thời gian của mình. Mặc dù ai cũng có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ lịch trình và quản lý công việc, nhưng điều này đặc biệt khó khăn đối với những người làm việc từ xa với lịch trình tự do không bị quản lý và giám sát.
Quản lý công việc của riêng bạn không thôi đã khó rồi, vậy mà còn có nhiều thứ khác cám dỗ hoặc tác động đến bạn liên tục như những tập phim yêu thích trên TV ngay kế bên bàn làm việc, hoặc sự bừa bộn của nhà bếp cần dọn dẹp. Sự rối rắm đan xen đó có thể dẫn đến việc cuối ngày bạn thấy mình vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn công việc nào cả.
Giải pháp:
- Giới hạn số lượng công việc bạn dự định thực hiện mỗi ngày. Sử dụng ma trận Eisenhower để tránh các việc lãng phí thời gian không cần thiết và biết những việc nào cần làm tiếp theo. Hoặc lên kế hoạch chỉ làm 1 việc lớn, 3 việc vừa và 5 việc nhỏ mỗi ngày, theo quy tắc 1-3-5.
- Cài đặt các công cụ hạn chế phân tâm. Hãy thử một trong những công cụ này để giúp bạn tập trung trong công việc: https://zapier.com/blog/stay-focused-avoid-distractions/
- Quản lý năng lượng của bạn, không phải thời gian của bạn. Hãy giải quyết các nhiệm vụ theo mức độ băng thông của bạn và mức độ bạn có thể tập trung vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
3. Sự tập trung bị gián đoạn
Khi bạn làm việc ở nhà, sẽ có lợi điểm là bạn tránh được sự gián đoạn kiểu văn phòng như phải dừng công việc giữa chừng để tập trung cắt bánh mừng sinh nhật đồng nghiệp.
Nhưng lợi bất cập hại vì bạn sẽ phải đối phó với các loại gián đoạn và phiền nhiễu khác, đặc biệt là với các bạn có con nhỏ, khi chúng luôn cần người chơi chung. Bạn không thể liên tục nói không với việc trẻ đòi hỏi được chơi chung bất cứ lúc nào chúng muốn. Chỉ riêng việc bạn phải tìm một góc riêng tư và yên tĩnh để thực hiện các cuộc họp online để gia đình không bị gián đoạn cũng đã là một vấn đề khi làm việc tại gia.
Giải pháp:
Không có cách nào để tránh tất cả sự gián đoạn từ gia đình, vật nuôi, người giao hàng và hàng xóm của bạn. Và đôi khi cũng cần phải bị gián đoạn nếu điều đó thật sự cấp bách. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải rõ ràng về các loại gián đoạn, cái nào có thể chờ và cái nào cần giải quyết. Ngoài ra, bạn có thể:
- Thiết lập một loại tín hiệu cho phép người khác biết khi bạn đang cần tập trung. Có thể đó bảng hiệu “Đừng làm phiền” trên cửa phòng/nhà hoặc khi bạn đeo tai nghe. (Hoặc có thể bạn phải thực sự khóa cửa và giả vờ bạn không ở nhà.)
- Giải thích lý do tại sao bạn cần tránh bị gián đoạn vì họ phá vỡ sự tập trung của bạn và khiến công việc của bạn khó khăn hơn.
- Đối với trẻ nhỏ, việc chăm sóc trẻ là điều bắt buộc, trừ khi bạn chỉ có kế hoạch làm việc khi chúng ngủ. Bạn cũng có thể Huấn luyện con mình biết cách để tự lập.
- Giữ giờ làm việc phù hợp. Đơn giản là đừng trả lời các cuộc gọi trong khi làm việc và thậm chí có thể tự tạo ra các cuộc họp không có trong lịch trình nếu cần phải làm thế để giúp bạn tập trung.
4. Cô đơn và thiếu sự tương tác của con người
Ở trên tôi đã đề cập đến sự gián đoạn trong công việc vì sự quấy rầy của các thành viên nhí, hoặc thậm chí là chú cún con của bạn. Nhưng nếu bạn không có thành viên gia đình nào ở nhà khi đang làm việc, bạn có thể gặp vấn đề ngược lại: sự cô lập.
Ngay cả với truy cập internet và các công cụ như Slack, bạn vẫn có thể bị hội chứng “ẩn sĩ” khi bị làm việc ở một chỗ quá lâu, và có thể bắt đầu ngại bước chân ra ngoài và giao tiếp nhóm, mất hẳn những nguồn cảm hứng bất chợt khi được chia sẻ và trao đổi ngẫu hứng với bạn bè qua những bữa ăn trưa, cà phê chiều tối. Từ đó dễ dẫn đến trầm cảm và chất lượng công việc bắt đầu đi xuống.
Giải pháp:
Điều này sẽ mất nhiều công sức, đặc biệt nếu một trong những lý do bạn thích làm việc tại gia là để tránh xa những người xung quanh. Đây là vấn đề về sự cân bằng.
- Thêm vào các giao tiếp xã hội nhỏ trong lịch trình của bạn, ví dụ như, thay vì đặt đồ ăn trưa giao tại nhà, bạn chỉ cần đi ra ngoài mua một bữa ăn nhẹ và trò chuyện với người bán hàng hoặc người cũng đi mua đồ ăn giống bạn cũng có thể tạo nên tương tác nhỏ cần thiết.
- Hãy thử làm việc tại các không gian làm việc chung hoặc quán cà phê để ít nhất bạn sẽ cảm thấy như mình vẫn là một phần của xã hội. Hãy nghĩ về nó như văn phòng thứ hai của bạn.
- Chủ động tham gia các nhóm hoặc tổ chức địa phương. Tìm một cuộc họp, tham dự các hội nghị trên mạng hoặc tham gia một số lớp học tại các trung tâm giải trí gần nơi bạn ở.
5. Các vấn đề giao tiếp
Giao tiếp là tối quan trọng và đây là một thách thức khi làm việc từ xa, vì sao?
Khi phần lớn giao tiếp của bạn xảy ra qua email và những thứ tương tự, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra chuyện hiểu lầm hoặc không hiểu hết ý của đồng nghiệp. Đặc biệt đối với những người hướng nội như các lập trình viên hay chuyên viên thiết kế.
Khả năng quan sát và nắm bắt ý tưởng để bù lại cho tính ít nói của mình sẽ bị hạn chế đáng kể khi thiếu tương tác qua giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp. Bạn có thể cảm thấy hoang tưởng rằng những người khác đang họp và đưa ra quyết định mà không cần bạn.
Giải pháp:
Giải pháp thực sự duy nhất là giao tiếp càng nhiều càng tốt, làm rõ bất cứ điều gì có thể để tránh tối đa sự hiểu lầm trong công việc, nếu cần thì sử dụng hình ảnh minh hoạ để gửi cho đồng nghiệp khi học online.
6. Trục trặc về công nghệ
Không có gì làm cho một người làm việc tại gia rối hơn việc mất tín hiệu internet. Hoặc khi máy tính bị trục trặc. Cả hai đều là vấn đề cần giải quyết triệt để.
Những người có kinh nghiệm làm việc từ xa trong nhiều năm cho rằng: “cho đến nay, thách thức lớn nhất vẫn là sự ổn định và tốc độ của đường truyền internet. Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn vẫn khó lòng đảm bảo được tốc độ và sự ổn định của internet, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. “
Và ngay cả với một kết nối internet tốt, các ứng dụng hội nghị video không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, vì vậy các cuộc họp ảo có thể làm bạn thất vọng.
Giải pháp:
Để yên tâm, và để tránh sự chậm trễ trong công việc của bạn, hãy có một kế hoạch dự phòng. Một thiết bị hotspot di động như MiFi hoặc gói điện thoại di động cho phép kết nối có thể giúp bạn tiết kiệm khi internet của bạn bị tắt. Một máy tính dự phòng, hoặc thậm chí là một máy tính bảng có thể giúp bạn làm việc cả ngày cho đến khi bạn máy tính được sửa xong.
7. Các thói quen xấu có hại cho sức khỏe
Làm công việc trí óc thường có xu hướng ít vận động, bất kể văn phòng của bạn ở đâu. Khi bạn ở nhà, xu hướng ít vận động sẽ càng dễ xảy ra, đồng thời các thói quen dễ dãi khác có cơ hội phát triển có khả năng làm hại cho sức khỏe của bạn.
Ví dụ như: chiếc tủ lạnh to đùng đầy đồ ăn thức uống hấp dẫn chỉ cách bàn làm việc của bạn có 6 bước chân. Làm sao kiềm chế nổi việc mở tủ lạnh thường xuyên?!

Hoặc, bạn có thể gặp vấn đề ngược lại: không có giờ nghỉ trưa chung nên bạn quên ăn luôn và cứ cắm cúi làm việc đến lúc đói meo.
Thói quen vận động ngắn giữa giờ cũng có thể rơi rụng khi bạn làm việc quá sức và bạn hoàn toàn mất thói quen di chuyển giữa các phòng ban, khu vực hoặc đi ra ngoài trời (sẽ thiếu nhiều vitamin D đấy!)
Giải pháp:
- Không có giải pháp thần kỳ nào cho vấn đề này cả. Bạn chỉ cần chú ý hơn khi làm việc tại nhà về thói quen sức khỏe của bạn. Bạn có thể đặt lời nhắc cho chính mình trong lịch hoặc ứng dụng việc cần làm để ăn salad hoặc tập yoga.
- Bạn có thể tham khảo thêm các bài vận động nhẹ trong mục 4 của bài viết 5 cách hiệu quả để làm việc tại nhà trong đại dịch covid-19.
Nguồn : Tổng hợp