10 bước hướng nghiệp chọn nghề và học đại học thành công

Nên chọn ngành nào và nghề nào để dễ xin việc làm, lương cao và có cơ hội thăng tiến? Học thế nào để không cảm thấy nhàm chán và bớt áp lực? 10 bước được liệt kê dưới đây sẽ giúp sinh viên và phụ huynh biết cách làm thế nào có thể sử dụng công nghệ trong kỷ nguyên số 4.0 để có thể hướng nghiệp chọn nghề và học đại học thành công.

Chọn ngành nào dễ kiếm việc

Câu hỏi đầu tiên thường sẽ là chọn ngành nào dễ kiếm việc. Câu hỏi này thực sự không khó để trả lời vì có khá nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy về các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Các nguồn đáng tin cậy có thể kể đến như: www.camnangtuyensinh.info, hoặc www.navigosgroup.com. Cụ thể như ví dụ dưới đây được trích từ báo cáo nhu cầu tuyển dụng của Vietnamworks.com năm 2019:

Top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019
Nguồn: vietnamworks.com

Nhưng cầu cao thì cung cũng cao, vì vậy câu hỏi tiếp theo nên được cân nhắc là: Nếu chọn những ngành học này thì làm sao để thành công và tạo sự khác biệt để được tuyển dụng? Đây mới là vấn đề mấu chốt mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu trong khuôn khổ bài viết này.

Chọn cách hướng nghiệp đại học theo cách khoa học hơn.

Có nhiều dịch vụ tư vấn hướng nghiệp chọn nghề, tư vấn tuyển sinh hằng năm ở các trường trung học, đại học và cao đẳng. Nhưng tham gia các buổi tư vấn, hội thảo này mà không tự lượng giá đúng cách sẽ có thể làm bạn cảm thấy thêm bối rối và hoang mang hơn nếu không thực sự hiểu mình muốn gì. 

Mọi việc nên được bắt đầu từ bậc phổ thông trung học khi học sinh chuẩn bị vào đại học. Câu hỏi đặt ra là: Bạn là ai, bạn thuộc nhóm người có khuynh hướng kỹ năng nào, những ngành nghề nào sẽ phù hợp với tính cách của bạn? Có nhiều cách để trả lời nhóm câu hỏi này, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc cách mà tôi vẫn hay áp dụng với sinh viên của mình tại Việt Nam:

Bước 1: Trắc nghiệm tính cách. 

trac-nghiem-tinh-cach
Nguồn: Pixabay

Ở Việt Nam hiện nay có hai hình thức trắc nghiệm miễn phí bạn có thể tham khảo: John HollandMBTI. Cả hai hình thức trắc nghiệm này đều mang đến những kết quả khách quan khá chính xác về tính cách và các ngành phù hợp, tuy nhiên kết quả tương đối tổng quát nên sẽ có thể làm cho bạn bối rối vì không biết nên chọn ngành nào theo đuổi. 

Bước 2: Lựa chọn nhóm ngành phù hợp

lua-chon-cong-viec
Nguồn: Pixabay

Vậy thì bước tiếp theo nên làm là thu hẹp sự lựa chọn từ bài trắc nghiệm, hãy chọn ra 3 ngành mà bạn cảm thấy phù hợp nhất trong các ngành được lượt kê từ kết quả trắc nghiệm. Bạn có thể tham khảo định hướng nghề nghiệp cho từng nhóm tính cách tại ĐÂY.

Trường nào dành cho bạn

Đa phần chúng ta  thường có suy nghĩ cứ trường danh tiếng, trường top là sự lựa chọn tốt nhất. Thực tế, kết quả xếp hạng chỉ nhằm mục đích giúp học sinh tham khảo và so sánh một cách tương đối giữa các trường chứ không mang tính chất quyết định. Điều quan trọng đối với sinh viên là bạn phải chọn nơi phù hợp nhất chứ không nhất thiết phải tốt nhất.

Tính phù hợp này sẽ dựa trên nhiều yếu tố: năng lực học tập của bạn, tiêu chuẩn tuyển sinh của trường, ngành học phù hợp với tính cách, khả năng tài chính của bạn, vị trí địa lý của trường, cơ sở vật chất trang bị cho các ngành học. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm các cơ hội để nói chuyện với những người đang học tập và làm việc tại các trường bạn định ứng tuyển. Họ có thể là các cựu sinh viên, nhân viên tuyển sinh, giảng viên, các diễn đàn sinh viên của trường, quan sát qua cách tương tác của những con người trong các tổ chức đó. Họ là những người thể hiện rõ nhất giá trị, sứ mệnh tinh thần của ngôi trường đó. 

Các bước 3 và 4 tiếp theo sẽ giúp bạn xác định được nhóm trường tương ứng với nhóm ngành học phù hợp của mình.

Bước 3: Tra cứu ngành học tương ứng với ngành/nghề

Bạn phải tự tra cứu các ngành học của các trường tương ứng với ngành nghề mà bạn liệt kê ở bước 2. 

Bước 4: Tìm hiểu về trường định nộp đơn

tim-hieu-truong-ung-tuyen
Nguồn: Pixabay

Sau khi đã chọn lọc các trường có ngành tương ứng, thì bạn phải tiếp tục tìm hiểu về tiêu chuẩn tuyển sinh, uy tín của trường, số lượng và chất lượng học sinh ra trường có việc làm. Những chỉ số này có thể được tham khảo trên website của trường hoặc các website review độc lập như Edu2review

Học đại học theo cách khôn ngoan hơn.

Vào đại học đã khó, tốt nghiệp được đại học và tìm được việc làm ưng ý còn khó hơn. Điều đó đúng hay sai? Còn tuỳ vào cách bạn có biết tận dụng thời gian của mình ở bốn năm đại học hay không. 

Các bạn sinh viên đại học thường sẽ trải qua chu kỳ 4 năm theo nhiều cách khác nhau nhưng thông thường sẽ theo trình tự: 

  • Hồ hởi năng nổ năm đầu tiên và đạt kết quả mỹ mãn
  • Bắt đầu phân vân về định hướng ngành nghề chuyên môn năm thứ 2 và có khuynh hướng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động đội nhóm, thể thao, giải trí và việc học bắt đầu bị xao lãng
  • Năm 3 là khoảng thời gian đã phân ngành nên sẽ phải tự học và làm việc nhóm nhiều hơn, đòi hỏi tính chủ động cao hơn. Đây cũng là lúc sinh viên bị phân tâm bởi các vấn đề tâm sinh lý, tình yêu sinh viên và các việc làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập như dạy kèm, làm nhân viên thời vụ. Đây chính là giai đoạn then chốt dẫn đường cho năm cuối đại học.
  • Năm 4 là khoảng thời gian chạy đua với các dự án thực tập, hoàn thành các môn cuối và chuẩn bị cho đề án tốt nghiệp. Tâm lý bị dao động mạnh ở thời gian này vì nhiều áp lực học tập chuyên môn, áp lực so sánh với bạn bè, áp lực tình cảm cá nhân và áp lực phải có việc làm khi ra trường.

Khi nhìn lại 4 năm đại học, có nhiều bạn giật mình sao chúng trôi qua nhanh đến thế. Nhưng mọi việc không nhất thiết phải như vậy nếu bạn có kế hoạch và định hướng rõ ràng. Những bước tiếp theo đây có thể giúp bạn hoàn thành 4 năm đại học mỹ mãn theo cách riêng của mình. Với việc chọn được ngành nghề phù hợp theo các bước định hướng nghề nghiệp ở mục 1 và 2, bạn đã có thể bắt đầu xây dựng lộ trình phấn đấu của mình khi trúng tuyển đại học.

Bước 5: Xác định các công việc thực tế 

Bạn phải biết chọn công việc nào sẽ được tuyển dụng trong nhóm ngành mà bạn định theo học. Có nhiều cách để tham khảo danh mục ngành nghề và mô tả công việc của từng công việc cụ thể. Phụ huynh có thể vào cuộc để giúp con em minh tham khảo và liệt kê, đồng thời thu hẹp các lựa chọn theo nhu cầu, đam mê và sở trường của từng cá nhân sinh viên. Các nguồn tham khảo có thể là: Vietnamworks.com, alison.com

Bước 6: Liệt kê các kỹ năng cần cho công việc

hoc-ky-nang-mem
Nguồn: Pixabay

Với việc lựa chọn nhóm các công việc tiềm năng trong tương lai, việc tiếp theo phải làm là liệt kê các kỹ năng cần có để làm được các công việc này. Đối chiếu các môn học bắt buộc và tự chọn trong trường để xem nên chọn nhóm môn nào thỏa mãn yêu cầu chuyên môn công việc. 

Việc lựa chọn này giúp bạn sắp xếp lịch học hợp lý hơn và biết rõ tại sao minh muốn hoặc không muốn tham gia vào một môn học tự chọn nào đó chứ không chỉ đơn thuần là chọn theo trào lưu chung của nhóm bạn mình. Với lịch học khoa học như thế bạn cũng hoàn toàn có thể đưa vào thời khoá biểu lịch chơi thể thao, giải trí và tham gia các hoạt động đội nhóm. 

Cần nhớ rằng tiêu chí để chọn các hoạt động đội nhóm cũng nên được gắn với hiệu quả thực tế là bạn sẽ rút được kỹ năng gì cho công việc tương lai mà bạn đã hoạch định. Đừng tham gia những hoạt động chỉ để vui nhưng có thể mất thời gian mà không mang lại lợi ích gì thực tế.

Nên học gì để bổ sung kiến thức thực tế

Với trải nghiệm nhiều năm làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, tôi có thể nói rằng phần lớn các bạn sinh viên mới ra trường đều cần được đào tạo lại về mặt chuyên môn, kỹ năng cụ thể để phù hợp với một loại công việc thực tế. Đây chính là điều nghịch lý trong tuyển dụng mà rất nhiều bạn sinh viên hay thắc mắc: Chưa có kinh nghiệm làm việc thì sẽ viết gì trong đơn xin tuyển dụng trong khi vị trí nào cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tế ít nhất 1-2 năm kinh nghiệm?

Câu trả lời có thể dễ dàng hơn với các bạn đã có kinh nghiệm làm thêm trong suốt quá trình đi học, nhưng còn các bạn chưa có cơ hội làm thêm thì sao? Kinh nghiệm đi làm không nhất thiết phải là cách duy nhất để bạn trau dồi kỹ năng chuyên môn, ngược lại nếu quá sa đà cho chuyện làm thêm, một số sinh viên có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của mình khi không dành đủ thời gian cho đề án tốt nghiệp. 

Thời đại công nghệ 4.0 mở ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể bổ sung kỹ năng chuyên môn hiệu quả qua các khóa học online chất lượng với chi phí vô cùng hợp lý. Các bước tiếp theo đây có thể giúp bạn hoàn thành bộ kỹ năng chuyên môn cần thiết để bổ sung vào hành trang xin việc khi ra trường:

Bước 7: Chọn các khóa học kỹ năng mềm 

Bạn cần phải biết cách làm hồ sơ tuyển dụng, tạo hồ sơ năng lực cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tạo động lực, v.v để giúp bạn sẵn sàng cho môi trường làm việc chuyên nghiệp trong tương lai.

Bước 8: Chọn các khóa học kỹ năng chuyên môn

học đúng kỹ năng
Nguồn: Pixabay

Với nhóm công việc đã lựa chọn trong bước 5, bạn có thể dễ dàng tham khảo trên các siêu thị trực tuyến những kỹ năng cần thiết và lên kế hoạch học tập bổ sung ngay từ năm thứ 3 đại học để sẵn sàng trang bị cho mình các kiến thức kỹ thuật/chuyên môn cần thiết để sẵn sàng tham gia lực lượng lao động chuyên nghiệp ngay khi ra trường.

Làm sao để có việc làm đầu tiên

định hương chọn nghề từ Đại học
Nguồn: Pixabay

Làm hết đến bước 8, bạn đã tiến rất gần đến khả năng có được việc làm đầu tiên. Tuy nhiên, như tôi có đề cập ngay từ đầu bài viết, đối với những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao thì nguồn cung cũng rất lớn, và như vậy sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Cơ hội sẽ dành cho những ai biết tạo nên sự khác biệt và có mối quan hệ tốt.

Rất nhiều bạn sinh viên do tính cách hướng nội thường có khuynh hướng rụt rè không dám tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Do vậy sẽ đánh mất nhiều cơ hội để tạo lập các mối quan hệ có thể giúp bạn tìm được việc làm tốt hơn. Tuy nhiên với kỷ nguyên số thì điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. 

Bước 9: Xây dựng thương hiệu cá nhân 

Hãy tạo tên tuổi cho mình ngay từ những năm đầu đại học. Hãy bắt đầu bằng việc tham khảo cách những người thành công tạo nên thương hiệu cho riêng mình và định ra cách định vị cho thương hiệu của cá nhân bạn. Điều này nên được bắt đầu với trắc nghiệm tính cách từ bước 1 để hình thành nên hình ảnh mà bạn muốn nhà tuyển dụng bị thuyết phục. Có rất nhiều khóa học online hướng dẫn cách bạn cách bạn xây dựng thương hiệu cá nhân. Dưới đây là một số đường link để bạn tham khảo.

Bước 10: Tạo dựng các mối quan hệ

Đây tưởng chừng như là điều khó khăn nhất nhưng tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể làm được bằng các phương pháp dưới đây:

  • Tham gia vào các nhóm Facebook liên quan đến chủ đề công việc mà bạn quan tâm, tích cực đóng góp ý kiến và bình luận cho các bài viết chuyên môn để tạo quan hệ
  • Tham gia vào các buổi họp offline chuyên đề để có dịp xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
  • Tìm hiểu trên meetup hoặc các diễn đàn online để đăng ký các cuộc họp mặt, hội thảo chuyên đề, nhớ rủ bạn thân cùng tham gia để giúp mình tự tin hơn trong giao tiếp với những người lạ trong nhóm.
  • Tham gia tích cực các hội chợ việc làm tại các trường đại học, cao đẳng, hãy luôn chuẩn bị cái gọi là “Elevator Pitch”, có nghĩa là nếu bạn chỉ có 1-2 phút để thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn sẽ nói gì về mình.

Cuối cùng, với tất cả những nỗ lực mà bạn đã thực hiện, không sớm thì muộn, ai đó trong các nhà tuyển dụng sẽ nhận ra bạn là ai, có năng lực gì và đam mê được làm công việc mà bạn đã dày công chuẩn bị trong suốt 4 năm ròng rã. 

Chỉ cần có cơ hội được gặp nhà tuyển dụng và kể cho họ rằng bạn đã chuẩn bị công phu thế nào cho cơ hội này cũng đủ để họ có thể tuyển bạn ngay lập tức, vì thực tế là thị trường lao động luôn cần người biết tư duy, có tầm nhìn, biết lập kế hoạch và có thái độ nghiêm túc khi theo đuổi kế hoạch đó. Thái độ làm việc, sự nhiệt tình và khát khao được làm việc với cả niềm đam mê chắc chắn sẽ chinh phục được ngay cả người tuyển dụng khó tính nhất.

Phong Nguyen


E-learning advocate. Instructional Design. Marketing. Entrepreneur. Owner of ecourses.vn

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top